Thứ Ba, 1 tháng 3, 2011

LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8 – 3

LỊCH SỬ NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8 – 3
Lê Hoài Nam - Khoa Lý luận - Chính trị - 25/02/11-10:02:39

Bài viết: Vũ Thị Bích Hạnh- Bộ môn Đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam

Có lẽ không ai trên thế giới này không biết đến ngày 8 – 3, một ngày đặc biệt dành riêng cho phái đẹp. Hàng năm, cứ đến ngày này, phụ nữ toàn thế giới trong đó có phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế của giới mình. Vậy tại sao trong 365 ngày thế giới lại chọn ngày 8 – 3 là ngày phụ nữ mà không phải là một ngày nào khác?. Chị em phụ nữ chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lịch sử của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Trước đây do trọng nam khinh nữ, nên phận làm nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất qua hàng thế kỷ. Ngày Quốc tế phụ nữ là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Có thể nói lịch sử ngày 8 – 3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ, các trung tâm công nghiệp Chicago (Mỹ) tập trung hàng vạn lao động phụ nữ và trẻ em. Họ luôn phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, bị coi rẻ, đồng lương thấp kém. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8-3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Khẩu hiệu của họ là "Bánh mì và Hoa hồng" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí V.I.Lênin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910 với 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ cộng sản Đức đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những người phụ nữ đã anh dũng đấu tranh đòi quyền lợi cho mình trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 8 tháng 3 làm ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Ngày đó năm 1911 đã được hơn một triệu người tham gia trong các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ.
Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ. Năm 1977, hai năm sau ngày Quốc tế phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung của phụ nữ cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Có thế nói ngày nay vị trí của người phụ nữ đã được thừa nhận trong xã hội, họ chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng trong nhiều ngành nghề ở hầu hết các kĩnh vực. Trên thế giới hiện có 4 nữ thủ tướng, 10 nữ tổng thống và hàng trăm nữ bộ trưởng, thứ trưởng...Những nước Bắc Âu được đánh giá là nơi có tỉ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp cao nhất thế giới, chiếm 4,4%, các khu vực khác ở châu Âu là 21,3%, châu Phi hạ Sahara 8%, châu Á 8%, Thái Bình Dương 13% và các nước Ả Rập 9,7%. Liên minh nghị viện thế giới (IPU) cũng đánh giá cao sự tiến bộ của phụ nữ ở các nước châu Mỹ trong thập kỷ vừa qua vì khu vực này có tới 2,7% phụ nữ làm nghị sĩ, chỉ đứng sau các nước châu Âu. Rwanda được đánh giá là có Quốc hội cân bằng giới nhất trên thế giới với tỉ lệ nữ chiếm 56,3%. Tiếp đến là Thụy Điển với 47%, Cuba 43,2%, Phần Lan 4,5%...
Thế nhưng trong lúc trên thế giới có nhiều người đàn bà là khoa học gia, phi hành gia, chính trị gia, đại thương gia tầm cỡ quốc tế thì vẫn còn nhiều nước chậm tiến mà người đàn bà bị đối xử như một món hàng, như một nô lệ. Năm 1999 luật hồi giáo Charia được áp dụng tại các bang miền nam Niger. 12 trong số 36 bang ở Niger áp dụng luật Charia. Theo luật này, người phụ nữ nào ngoại tình hay không chồng mà có con đều bị ném đá cho đến chết. Đối với đạo luật Charia thì sanh con ngoại hôn có tội nặng như tội giết người, phải bị án tử hình. Hay như hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới vẫn cho phép đàn ông đa thê như: Afghanistan, Bangladesh, Maroc, Iran, Liban…Trong lịch sử hiện đại, hiếm có nơi nào được ví như vùng đất của những người phụ nữ bị đàn áp hơn Afghanistan dưới thời Taliban. Và cũng không có nơi nào sự ngược đãi lại thô bạo như ở Kandahar, quê hương của tâm lý quá khích, cuồng tín Hồi giáo. 5 năm kể từ sau khi chế độ Taliban bị lật đổ, báo cáo của Uỷ ban Nhân quyền độc lập Afghanistan vẫn cho thấy sự tiếp diễn của những hành động đối xử bất công - cưỡng hiếp, sát hại, ép gả và kết cục là những vụ tự tử. Và Việt Nam chúng ta, một quốc gia được Liên Hiệp Quốc đánh giá là: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới". Bên cạnh đó vẫn tồn tại những người phụ nữ cả những người ít học lẫn những người có trình độ vẫn cam chịu nạn bạo hành, bạo lực trong gia đình, và dường như tình trạng này ngày càng trở nên đáng báo động hơn.
Những điều đó cho thấy đấu tranh cho nữ quyền vẫn còn là cuộc đấu tranh đầy khó khăn và dai dẳng. Trong cuộc đấu tranh này, không ai khác ngoài chính những người phụ nữ phải tiếp tục hành trình đi tìm "bánh mì và hoa hồng" cho bản thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét