Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Tìm hiểu về nhà tuyển dụng: 5 nguyên tắc vàng

Tìm hiểu về nhà tuyển dụng: 5 nguyên tắc vàng

(Dân trí) - Tìm hiểu nhà tuyển dụng là một trong những bước quan trọng cần làm trước khi bước vào phỏng vấn cũng như khi đưa ra quyết định nghề nghiệp. 5 nguyên tắc quan trọng sau sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng ngay từ lần gặp mặt đầu tiên.
1. Nghiên cứu về công việc dự tuyển: Đọc thật kỹ những thông tin mà nhà tuyển dụng đưa ra về công việc trong thông báo tuyển dụng, nếu vẫn chưa rõ bạn hãy gọi điện hoặc email trực tiếp đến họ để hỏi nội dung cụ thể cho công việc. Sau khi tìm hiểu hãy tự đặt ra và trả lời những câu hỏi như: Những yêu cầu của công việc có phù hợp với chuyên môn, sở thích, đời sống xã hội của bạn không? Bạn có thể đưa ra những ai làm “nhân chứng” cho những khả năng và kinh nghiệm của mình? Bạn có kiến thức đặc biệt gì trong những lĩnh vực mà công việc yêu cầu không? Bạn có thể đưa ra những dẫn chứng chứng minh rằng bạn có khả năng học hỏi những điều mới một cách nhanh chóng và hiệu quả không?
2. Nghiên cứu về tổ chức và văn hóa của cơ quan:. Hãy tìm hiểu thông qua phòng hành chính nhân sự và những nhân viên đang làm việc tại cơ quan về những quy tắc ứng xử, những quy tắc đang được áp dụng cho tất cả mọi người trong cơ quan. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ có “cảm tình” với những ứng viên đã tìm hiểu và có khả năng thích ứng với văn hóa của cơ quan, có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp…
3. Nghiên cứu về người sẽ tiến hành phỏng vấn bạn:
Nếu nhà tuyển dụng không thông báo ai sẽ là người phỏng vấn bạn, đừng ngần ngại hỏi và cố gắng tìm hiểu những thông tin trước về họ. Họ đang nắm giữ vị trí gì trong cơ quan? Họ đã làm việc trong cơ quan này bao lâu rồi? Chuyên ngành, bằng cấp của họ? Hãy giải thích với họ rằng bạn cần xin những thông tin đó để chuẩn bị một số câu hỏi với nhà tuyển dụng để biết thêm thông tin hoạt động của công ty. Với lí do này chắc chắn phòng nhân sự sẽ không ngần ngại mà cung cấp cho bạn.
4. Nghiên cứu về quá trình tuyển dụng: Hãy hỏi phòng nhân sự hoặc ban tuyển dụng xem bạn sẽ phải trải qua 1 vòng phỏng vấn hay nhiều hơn, nhà tuyển dụng tìm kiếm điều gì ở ứng viên? Bạn có cần phải trải qua một vòng thi trắc nghiệm, bài thi viết hay không? Bạn được phép mang những gì vào phòng phỏng vấn. Thông tin càng rõ ràng bao nhiêu, bạn càng chuẩn bị tốt hơn bấy nhiêu. Cơ hội được tuyển dụng sẽ cao hơn rất nhiều.
5. Nghiên cứu về yêu cầu của nhà quản lý tương lai:  Điều cuối cùng bạn cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng chính là yêu cầu của nhà quản lý trong tương lai, nếu người đó trực tiếp phỏng vấn bạn (với những tổ chức lớn, có thể bạn chỉ được gặp người quản lý trực tiếp sau khi bạn bắt đầu công việc của mình). Bằng việc tìm hiểu kỹ những yêu cầu này bạn sẽ giải thích được với họ tốt hơn bạn thích hợp với vị trí này thế nào, bạn có thể đáp ứng những yêu cầu đó ra sao…
 
Tuệ AnhTheo Careerbuilder

Những lỗi không được phạm khi xin việc

Những lỗi không được phạm khi xin việc

(Dân trí) - Xin việc đôi khi các ứng viên phải tuân thủ những nguyên tắc bất thành văn. Có như vậy mới mong tìm được công việc đúng theo chuyên môn và sở thích. Những lỗi sau đây các ứng viên cần hết sức thận trọng và tuyệt đối đừng bao giờ phạm phải.
1. Nghĩ rằng mình là nhất
Dù bạn thực sự có năng lực, điều kiện kinh tế gia đình giàu có thì cũng đừng nên kiêu ngạo cho mình là nhất, hoặc việc gì mình cũng có thể làm được. Trong điều kiện kinh tế mới, môi trường giao tiếp mới thì ngay cả những thành tích, điều kiện kinh tế dư giả bạn có được cũng không thể đảm bảo cho bạn “tấm vé” vào làm việc tại nơi bạn mong muốn.

Đây là thái độ thường gặp ở những sinh viên mới ra trường. Họ thường ảo tượng hoặc tự huyễn hoặc về khả năng cũng như mức lương mơ ước dành cho bản thân. Cần tuyệt đối tránh lối suy nghĩ này kẻo không có đơn vị nào chịu nhận bạn vào làm.

2. Lấy mình là trung tâm chứ không phải nhà tuyển dụng
Thay vì bạn luôn khoa trương bản thân về những thành tích đạt được, hãy dành chút thời gian quan tâm đến nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nên cân nhắc kỹ lưỡng vị trí tuyển dụng, tại sao nhà tuyển dụng lại đưa ra những tiêu chuẩn như vậy cho vị trí đó…?Đừng quá nhấn mạnh hoặc thể hiện bản thân mà quên đi cách nhìn, nhu cầu của nhà tuyển dụng. Hiểu và nắm bắt được nhu cầu của nhà tuyển dụng cũng chứng tỏ khả năng phán đoán, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề của bạn.

3. Không thể đối mặt với thất bại
Thái độ tự ti và thất vọng sau một vài lần bị từ chối khiến các ứng viên vừa chân ướt chân ráo rời khỏi ghế nhà trường hoang mang và mất phương hướng. Điều đó hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách khẳng định và chấp nhận những việc nằm ngoài khả năng của mình, thực hiện phương trâm “thất bại là mẻ đẻ của thành công”, từ đó rút ra bài học để không phạm phải những sai lầm tương tự.

Không có nhà tuyển dụng nào lại muốn mất quá nhiều thời gian và công sức để tổ chức quá nhiều đợt tuyển dụng, đơn giản là họ chưa tìm được người phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Điều cần thiết là bạn phải tìm ra những nhu cầu của họ sau một vài lần thất bại.

4. Quá chú tâm đến vấn đề tuổi tác
Nhiều người thường quá chú trọng đến những yếu điểm của mình mà quên đi những ưu điểm. Quá trình tìm việc cũng vậy. Nhiều ứng viên trẻ tuổi lại cho rằng bản thân còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, từ đó nảy sinh tâm lý lo lắng và thiếu tự tin.

Nếu không muốn nhà tuyển dụng chú tâm đến độ tuổi của mình, hãy “hút” họ sang những khía cạnh, những ưu điểm khác như năng lực, thành tích, sự kiên trì, tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, khả năng sáng tạo, tình yêu nghề nghiệp…

5. Không biết tìm việc qua “con đường tắt”
“Con đường tắt” ở đây không có nghĩa là nhờ cậy sự ảnh hưởng của phụ huynh hoặc “ô dù”…mà là cách sử dụng những kỹ xảo của chính mình như: tự làm đơn xin việc online, đăng quảng cáo tìm việc, nhờ vào những mối quan hệ bạn bè sẵn có để nắm bắt thông tin chính xác về nhà tuyển dụng…

Bạn nên cho mọi người biết bạn đang tìm việc và công việc mà bạn mong muốn. Sau đó hãy thu thập và phân tích những thông tin mà mọi người cung cấp để tiện cho việc “ứng phó” với những nhà tuyển dụng khó tính.

6. Nghe thông tin một chiều hoặc quá nhiều tin tạp
Thời buổi khủng hoảng kinh tế khiến nhiều người thất nghiệp khiến bạn phân vân và lo lắng về vấ đề việc làm. Nếu chỉ nghe thông tin từ một nguồn hoặc không có khả năng phân tích những nguồn tin đa chiều khác thì tỷ lệ tìm được công việc yêu thích của bạn là vô cùng thấp.

Cần phải thường xuyên cập nhật tin tức, đánh giá những nguồn tin đáng tin cậy để rút ngắn quá trình chinh phục nhà tuyển dụng.

Phạm Hằng
TheoXinli


Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Một số câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn xin việc

Một số câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn xin việc

Hỏi: Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?
Không phải ngẫu nhiên mà nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi trên trong khi họ đã cầm trong tay tất cả các thông số về ứng cử viên xin việc. Bạn nên biết rằng, câu hỏi này là nhằm đánh giá tính cách, sự chuẩn bị cũng như kỹ năng giao tiếp và khả năng phản xạ của bạn. Hãy chuẩn bị một danh sách những việc bạn đã làm hoặc đang làm ( công việc hiện tại, công việc trước kia), sở trường (chú trọng đến khả năng chuyên môn), tóm tắt quá trình làm việc đồng thời khéo chỉ ra rằng những kinh nghiệm đạt được trong quá trình làm việc của bạn là phù hợp với công việc sắp tới.

Hỏi: Tại sao bạn lại từ bỏ công việc trước kia?

Đừng bao giờ nói là vì bạn chán công việc đó. Thay vào đó, bạn có thể nói là bạn không thể phát huy toàn bộ khả năng của mình khi làm việc tại công ty cũ. Không nên chê bai những người chủ trước kia. Nếu nguyên nhân không phải là từ phía bạn, hãy tóm tắt ngắn gọn những vấn đề mà công ty trước đã gặp phải. Đừng để những người chủ sắp tới của bạn nghĩ rằng bạn đang “cay cú”. Nói tóm lại, hãy trả lời một cách tích cực như: “ … vì muốn có cơ hội thăng tiến tốt hơn, …vì muốn phát huy hết năng lực của mình…”

Hỏi: Tại sao bạn lại muốn làm công việc này (hay Tại sao bạn lại muốn làm cho công ty của chúng tôi)?

Hãy chứng tỏ những hiểu biết của bạn về công ty và khẳng định khả năng của bạn là phù hợp đối với vị trí được tuyển dụng. Thay vì quá tập trung vào những gì bạn mong muốn nhận được từ phía công ty, hãy nhấn mạnh tới những gì bạn có thể làm cho họ và tất cả những kinh nghiệm và của bạn trước đó mà bạn coi là phù hợp với công việc mới. Hãy chắc chắn rằng bạn cũng đề cập tới một vài điều thú vị mà bạn đã học hỏi được từ những người chủ trước.

Hỏi: Bạn nghĩ là bạn có mang lại những gì cho công ty của chúng tôi?
Đây là cơ hội để cho bạn thể hiện, đồng thời tập trung vào những kỹ năng của bản thân mà theo bạn là phù hợp với yêu cầu của công việc mới. Ví dụ: “Tôi có kỹ năng bán hàng và luôn sẵn sàng làm việc theo nhóm. Vì vậy, tôi rất muốn tham gia vào chiến dịch mở rộng thị trường ở phía Bắc của quý công ty.”

Hỏi: Theo bạn, công việc này đòi hỏi những gì?

Câu hỏi này được đặt ra nhằm khai thác xem liệu bạn đã suy xét, nghiên cứu, nắm bắt thông tin về vị trí công việc này trước đó và liệu bạn có thể tóm tắt tất cả những thông tin này một cách rành mạch hay không.

Hỏi: Bạn biết gì về công ty của chúng tôi?
Hãy chứng tỏ mối quan tâm của bạn đối với công việc và những hiểu biết của bản thân về tổ chức và lĩnh vực mà sắp tới bạn sẽ tham gia. Hãy nói lên hiểu biết của bạn về hoạt động chính của công ty, quy mô, đối tượng khách hàng và tình trạng hiện tại của nó, đồng thời cũng không nên quên đề cập tới nguồn của những thông tin mà bạn thu thập được.

Hỏi: Điểm mạnh của bạn là gì?

Cách tốt nhất là đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh những mặt mạnh của bạn ở những công việc trước kia, những điều khuyến khích bạn viết đơn xin việc để có thể vào làm ở công ty mới này.

Hỏi: Điểm yếu của bạn là gì?

Khi trả lời những câu hỏi liên quan đến điểm yếu nhất của bạn, bạn nên nói thật một phần. Mặc dù bạn không nên nói ra tất cả mọi điểm yếu của mình, nhưng chỉ nói ra một điểm yếu duy nhất thì cũng không phải là một ý tưởng hay. Một sự vừa phải sẽ là tốt nhất. Và bạn nên tập trung vào những điểm yếu mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc bạn đang dự tuyển. Điều này nên là một điểm yếu mà bạn đang trong quá trình sửa chữa. Lưu ý rằng không phải là điểm yếu mà bạn đã sửa chữa được rồi, vì đó đâu còn là điểm yếu nữa.

Hỏi: 5 năm nữa bạn sẽ làm gì?

Đây là câu hỏi nhằm đánh giá mức độ tham vọng cũng như kế hoạch thăng tiến trong nghề  nghiệp của bạn. Bạn nên chỉ ra rằng những mục tiêu lâu dài của bản thân là phù hợp với vị trí công việc đang được bàn đến và nói lên những cam kết để thực hiện những mục tiêu này.

Hỏi: Bạn có thể đưa ra một ví dụ để chứng tỏ sự sáng tạo/ khả năng quản lý/ khả năng tổ chức của bạn?


Hãy nghĩ ra những ví dụ chứng tỏ được rằng khả năng của bạn đáp ứng được yêu cầu của công việc theo như quảng cáo của nhà tuyển dụng. Đây cũng chính là phần trọng tâm của các cuộc phỏng vấn.

Hỏi: Bạn có chịu đựng được áp lực của công việc không?

Hãy trả lời “có” kèm theo một dẫn chứng cụ thể khi mà bạn phải chịu áp lực của công việc và bằng cách nào bạn đã vượt qua điều đó.

Hỏi: Bạn đã bao giờ mâu thuẫn với đồng nghiệp chưa? Nếu có thì cách giải quyết đó là gì?

Đây là những câu hỏi về cách thái độ xử sự nhằm khai thác xem bạn có đủ tinh tế và khả năng theo như yêu cầu của công việc hay không. Đối với những  câu hỏi dạng này, hãy viện dẫn những kinh nghiệm của bạn trong trường hợp này và luôn xen những gợi ý tích cực vào câu trả lời của bạn. (Ví dụ như bạn đã học được nhiều từ những gì đã gặp phải).

Hỏi: Bạn có bất kỳ câu hỏi nào cần được giải đáp không?


Khi sắp kết thúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi: Anh chị có cần hỏi gì không? Lúc này, nếu biết nêu câu hỏi phù hợp, rõ ràng thì cũng là một cách thể hiện sự chín chắn, thông minh, góp phần kết thúc tốt đẹp cuộc phỏng vấn. Vì vậy, hãy luôn chuẩn bị một vài câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng. Hãy hỏi thêm những gì bạn còn vướng mắc về công việc mới, yêu cầu làm rõ những thông tin chung chung về công ty hoặc đề nghị xác nhận những thông tin mà bạn nắm được về công ty là có chính xác hay không.

Bạn không nên đặt câu hỏi quá quan tâm về vật chất như tiền lương, tiền thưởng, thời hạn nâng lương, nghỉ phép... Nhưng nếu được hỏi anh chị muốn có mức lương bao nhiêu thì câu trả lời hay nhất là "Tôi muốn hưởng mức lương phù hợp với năng lực và sự đóng góp của tôi".

Những câu hỏi “nhạy cảm”:


Đặt giả dụ bạn phải đối mặt với một câu hỏi tương đối “nhạy cảm”, hoặc những câu hỏi mà bạn thấy ở đó có sự phân biệt đối xử thì bạn không bắt buộc phải trả lời chúng.

Ví dụ như nhà tuyển dụng có thể có thành kiến rằng phụ nữ sinh con thì không thể làm việc trọn ngày và hỏi bạn liệu rằng làm sao bạn có thể vừa chăm sóc con cái vừa làm việc và nâng cao khả năng chuyên môn một khi bạn sinh con.

Nếu như bạn cảm thấy không thoải mái với bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể từ chối trả lời một cách lịch sự hoặc đề nghị được làm rõ những vấn đề có liên quan tới vị trí đang được tuyển dụng. Một số gợi ý:

“Tôi nghĩ là chúng ta không cần phải nói về điều này. Tôi muốn tập trung vào những vấn đền liên quan đến công việc và những yêu cầu của quý công ty”.

“Tôi không rõ câu hỏi này liên quan tới vị trí công việc và khả năng làm việc của tôi đối với vị trí này ra sao. Quý công ty có thể nói rõ cho tôi biết tại sao câu hỏi này lại quan trọng và tôi sẽ cố gắng để cung cấp những thông tin có liên quan.”